Banner top
Menu portal
Giới thiệu
Banner tin tức - sự kiện
Banner - Góp ý - Ý kiến
Kế hoạch
Banner thi đua - khen thưởng
Tổ chức đoàn thể
Thông tin tuyển sinh
Công khai thông tin
Hiển thị nội dung bài viết

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – “Đại tướng của nhân dân

04/01/2022
07:59:00
671

Thực hiện ngày cao điểm chiến dịch “Hoa phượng đỏ” năm 2021, sáng ngày 15/8, Đoàn trường THPT Quang Trung cùng với các cơ sở đoàn đã tham gia Ngày chủ Nhật xanh, vệ sinh và làm đẹp cảnh quan quanh khu vực mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Huyện đoàn Quảng Trạch phối hợp Đồn Biên phòng Roon tổ chức.

Trong buổi hoạt động, Đoàn viên thanh niên đã thu gom và xử lí một lượng lớn rác thải trên bãi biển khu vực xã Quảng Đông góp phần tạo môi trường biển sạch đẹp.

Đoàn viên thanh niên trường THPT Quang Trung làm vệ sinh tại bãi biển Xã Quảng Đông

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực hướng đến kỉ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021).

Tọa lạc ở vùng đất bên cạnh nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ, thầy và trò trường THPT Quang Trung rất tự hào về Đại tướng, một vị tướng huyền thoại đã cống hiến cả cuộc đời và sự nghiệp cho đất nước và nhân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước.

Từ năm 1925 đến 1926, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam); năm 1930, bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh; năm 1936, hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên báo của Đảng như: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”… Tham gia phong trào Đông Dương đại hội; được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.

Tháng 6/1940, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Đầu năm 1941, Đồng chí về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng; năm 1942, phụ trách Ban xung phong Nam tiến, tuyên truyền giác ngộ Nhân dân, tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng về Thái Nguyên.

Tháng 12/1944, Đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Đồng chí được cử vào Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Từ tháng 5/1945, là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6/1945, được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng Việt Bắc.

Tháng 8/1945, được Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương cử vào Ban Chấp hành Trung ương và là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, Đồng chí được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 1/1946, Đồng chí được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I; tháng 3/1946, là Chủ tịch Quân sự ủy viên Hội, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương; tháng 10/1946, Đồng chí là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam (Đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ 10/1946 – 8/1947; 8/1948 – 12/1979).

Tháng 1/1948, Đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, Đồng chí là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, VI của Đảng, Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.

Từ tháng 1/1980, Đồng chí là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).

Đồng chí liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Đồng chí từ trần vào lúc 18 giờ 9 phút ngày 04/10/2013 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.

 

Đại tướng – Võ Nguyên Giáp

Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược kiệt xuất, bậc thầy về chiến lược, chiến thuật quân sự. Điều đó được thể hiện rất rõ trong cuộc đời cầm quân, ở những thời khắc lịch sử có ý nghĩa quyết định vận mệnh dân tộc. Ở đây, tôi chỉ xin đề cập một cách ngắn gọn nhất về thời khắc làm nên một chiến công vĩ đại, hiển hách của dân tộc – Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong tờ trình của Tổng Quân ủy gửi lên Bộ Chính trị ngày 6 tháng 1 năm 1953 dự kiến”Thời gian để tác chiến ở Điện Biên Phủ ước độ 45 ngày” và “đây sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay”. Ta sẽ phải sử dụng ba đại đoàn bộ binh, toàn bộ công binh, pháo binh ,phòng không và “quân số tổng quát của chiến dịch sẽ là 42.000 người”. Dự kiến đánh Điện Biên Phủ trình Bộ Chính trị theo tinh thần “đánh chắc, tiến chắc”.

Khi triển khai kế hoạch tiến công Điện Biên Phủ, bộ phận tham mưu của ta đi trước để chuẩn bị chiến dịch đã đề nghị phương án “đánh nhanh giải quyết nhanh” trong khi bộ đội ta đang sung sức, tinh thần chiến đấu rất cao, còn địch chưa củng cố xong, trận địa, chưa đứng vững chân tại Điện Biên Phủ. Phương án “đánh nhanh giải quyết nhanh” dự định tập trung toàn lực tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong “hai ngày ba đêm”. Thực hiện kế hoạch tác chiến ban đầu, một khó khăn lớn nhất của ta đó là kéo pháo vào trận địa ở địa hình đồi núi cao. Đại đoàn 351 đã dùng xe kéo pháo vào trận địa theo đường Tuần Giáo – Điện Biên Phủ, đến cây số 69 thì việc việc kéo pháo hoàn toàn dùng bằng sức người trên chặng đường gian khổ 15 km đường núi khúc khuỷu và nhiều dốc cao và phải mất bảy ngày pháo mới vào được đến trận địa. Đến chiều 25 tháng 1 năm 1954 thì có lệnh kéo pháo ra do lúc này phương châm tác chiến đã thay đổi.

Đó là một quyết định táo bạo, sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Sau khi thận trọng cân nhắc và theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình mặt trận, ta đi đến quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “”đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định này đã được Bác Hồ và Bộ Chính trị hoàn toàn nhất trí.

Lần này khi phương châm thay đổi, bộ đội ta tiếp tục kéo pháo vào trận địa lần thứ hai vào tháng 3 năm 1954. Bộ đội đã chặt tre, nứa luồn xuống dưới lớp cỏ rồi chống lên như giàn mướp. Lá cỏ tuy khô nhưng thân dài và rất dai, không bị đứt gãy, tạo thành giàn ngụy trang vô cùng kín đáo làm cho máy bay địch không thể nào phát hiện ra ở dưới lớp cỏ khô là một con đường kéo pháo. Lần này các đơn vị bộ binh và công binh đã kịp thời mở được 63km đường cho ô tô kéo pháo nên chỉ trong vòng hai ngày, đến đêm 11 tháng 3, pháo ta đã vào chiếm lĩnh trận địa an toàn và bí mật. Riêng đối với việc xây dựng trận địa pháo với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, công tác chuẩn bị vô cùng khó khăn từ khâu kéo pháo đến khâu xây dựng hầm pháo đi cùng hầm đạn, hầm trực chiến, hầm chỉ huy, hầm thương binh và hầm nấu ăn. Đặc biệt khi có sự thay đổi bất ngờ về phương châm tác chiến, toàn quân và toàn dân vẫn đồng sức, đồng lòng dưới sự chỉ đạo của Đại tướng và Bộ chỉ huy chiến dịch “đánh chắc, tiến chắc” nhằm đưa cuộc kháng chiến đi đến toàn thắng.

 

Đại tướng về thăm Quảng Trạch

 

Hòa bình trở lại, hồi tưởng về quyết định quan trọng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Chỉ huy trưởng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, đã nhấn mạnh: “Thay đổi cách đánh trong tình thế toàn mặt trận từ trên xuống dưới quyết tâm chiến đấu theo phương án đánh nhanh giải quyết nhanh, các đơn vị đã đi vào vị trí chiến đấu, giờ chờ nổ súng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”.

 

Đại tướng về thăm Cảnh Dương, Quảng Trạch

Những kiến thức và tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều do tự học từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới; tự rèn luyện, tự đúc rút kinh nghiệm qua thực tế chiến đấu của Quân đội ta mà nên. Chính điều ấy đã làm nên sự khác biệt của Đại tướng, khiến thế giới khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại… là một trong số ít những người có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân hết lòng kính trọng, suy tôn là vị “Đại tướng của Nhân dân”. Hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và tuổi trẻ trường THPT Quang Trung nói riêng, xứng đáng là con cháu của quê hương Quảng Bình – quê hương của vị tướng trong lòng dân.

[Trang chủ]
Thông báo
Banner - Thư viện ảnh
Banner - Thư viện video
Banner - Bộ giáo dục và đào tạo
Banner - Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình
Banner - Cổng thông tin điện tử Quảng Bình
Liên kết website
Footer

TRƯỜNG THPT QUANG TRUNG

Địa chỉ: Thôn Tân Phú, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Điện thoại: 0523.596502 – 0523.569520.

Email: thpt_quangtrung@quangbinh.edu.vn