Banner top
Menu portal
Giới thiệu
Banner tin tức - sự kiện
Banner - Góp ý - Ý kiến
Kế hoạch
Banner thi đua - khen thưởng
Tổ chức đoàn thể
Thông tin tuyển sinh
Công khai thông tin
Hiển thị nội dung bài viết

VAI TRÒ TRUNG TÂM CỦA HỌC SINH TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ DƯỚI HÌNH THỨC CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH

07/02/2023
14:50:00
478

 

VAI TRÒ TRUNG TÂM CỦA HỌC SINH

TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ

DƯỚI HÌNH THỨC CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH

 

Thực hiện tinh thần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, trong năm học 2021 – 2022 vừa qua, nhóm bộ môn Lịch sử trường THPT Quang Trung đã triển khai thực hiện dạy học chuyên đề sáng tạo: Dạy học lịch sử thông qua hình thức chương trình truyền hình. Tiết dạy đã thực sự thành công khi phát huy vai trò trung tâm của học sinh, tạo ra thực tế sinh động trong công tác đổi mới dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng.

Dạy học dưới hình thức chương trình truyền hình

Dạy học dưới hình thức chương trình truyền hình là gì? Đây là cách thức dạy học mới so với dạy học truyền thống được dựa trên mô hình tổ chức của chương trình truyền hình. Theo đó, vai trò giảng dạy của người giáo viên được thực hiện với tư cách cố vấn chương trình. Hoạt động học tập chuyển hóa thành các hoạt động vui chơi của các đội nhóm dưới sự điều khiển của MC dẫn chương trình do một học sinh đảm nhiệm. Học mà chơi, chơi mà học, dù theo hình thức nào thì dạy học dưới hình thức chương trình truyền hình cũng phải đảm bảo đạt được mục tiêu dạy học và các bước lên lớp trong tiến trình thực hiện: Phần Khởi động – phần chuyển giao nhiệm vụ học tập, Phần Hoạt động của đội chơi – phần hình thành kiến thức và luyện tập, Phần kết thúc chương trình – phần vận dụng.

Thực tế trong đổi mới giáo dục hiện nay cho thấy, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, công tác đổi mới phương pháp dạy học vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục nhất là truyền thụ tri thức một chiều như thuyết trình, hỏi – đáp, giáo viên là tâm điểm, học sinh là quỹ đạo xoay quanh. Vậy khi một tiết dạy lịch sử thông thường chuyển hóa thành một chương trình truyền hình, vai trò của học sinh được phát huy tối đa như thế nào?

Trí tuệ, tài năng của học sinh thể hiện ngay từ phần khởi động mở đầu chương trình. Việc sử dụng phương pháp đóng vai, phương pháp trực quan kết cấu theo lối xây dựng hoạt cảnh sẽ tạo ra tình huống có vấn đề vô cùng ấn tượng, mang tính điện ảnh nhưng cũng rất đỗi gần gũi thực tế cuộc sống học đường. Thay vì, người giáo viên làm chủ thể, thì chính các học sinh thực hiện hình thức chuyển giao nhiệm vụ học tập, chủ động dựng nên tình huống có vấn đề và tương tác lẫn nhau. Có như vậy, khâu chuyển giao nhiệm vụ học tập mới đạt hiệu suất cao, lôi cuốn các em tham gia các hoạt động giải quyết vấn đề học tập trong tâm thế vui tươi, hòa nhập.

Học sinh thiết kế báo chí và thuyết trình

Không chỉ dừng ở việc nắm bắt nhiệm vụ học tập, trong khâu hình thành kiến thức mới, việc sử dụng nhiều cách thức hoạt động mới mẻ, linh hoạt, sáng tạo vừa thể hiện phong cách chương trình truyền hình vừa tạo ra phương thức mới trong lối truyền đạt tri thức. Truyền đạt tri thức một chiều như trước đây – giáo viên giảng học trò nghe hiểu dẫn đến sự nhàm chán, thụ động. Giờ đây, để phát huy hơn nữa vai trò học sinh, những kiến thức mới cơ bản từ sách giáo khoa được chính các em chủ động tìm hiểu, nắm bắt và truyền tải, trao đổi với nhau bằng những hình thức trực quan sinh động tạo ra sự hứng thú khi tiếp thu kiến thức mới. Đó là cách thức thể hiện bằng video tin tức (học sinh tự thể hiện và thiết kế thành video theo hình thức tin tức chuyển động 24h), slide thuyết trình về tiểu sử nhân vật hay hình thức thiết kế báo chí (thể hiện phong cách một tờ báo ngày nay viết về chủ đề liên quan nội dung bài học). Từ đây, học sinh trở thành chủ thể thực hiện nhiệm vụ học tập đích thực. Đó là cơ sở quan trọng để thực hiện khâu tiếp theo có tính quyết định trong quá trình dạy học – giải quyết vấn đề trọng tâm của bài học.

MC dẫn chương trình và các đội tham gia trò chơi

Ở bước lên lớp này, giáo viên cần linh hoạt trong tổ chức hoạt động cho học sinh cũng như sử dụng hợp lý hệ thống câu hỏi gợi mở. Thay vì những trò chơi củng cố cuối bài, hay hoạt động nhóm chỉ mang tính hình thức chỉ là ngồi nhóm cùng nhau thì với cách dạy học mới này, các đội nhóm được tham gia các trò chơi đa dạng về thể loại dựa trên chuỗi câu hỏi theo mức độ phân hóa khác nhau. Đặc sắc hơn nữa, vai trò điều khiển trò chơi của giáo viên được thay thế bởi hai MC học sinh vui tươi, dí dỏm góp phần làm nên sân chơi trí tuệ và sôi động ngay tại lớp học. Tất cả đã tạo nên một chương trình đậm chất giáo dục ở đó các em hứng thú tham gia hoạt động học tập, cùng hợp tác phát triển trí tuệ và tài năng. Điều đó đưa tới hiệu quả cao trong bước hình thành kiến thức mới và luyện tập khi học sinh từ chủ động nắm bắt rồi tiếp nhận đi đến giải quyết được vấn đề nhiệm vụ học tập. Các em trở thành trung tâm của tiết học là như vậy.

Không những thế, học sinh trở thành trung tâm khi được phát huy năng lực toàn diện. Nhận thức tư duy lịch sử luôn đi liền rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo. Thông qua nhiều hình thức hoạt động như video tin tức, slide thuyết trình, báo tường, hoạt động đội nhóm, các em được thỏa sức trải nghiệm rèn luyện đa dạng kĩ năng từ ứng dụng công nghệ thông tin tạo dựng video tin tức mô phỏng lồng ghép kiến thức, thiết kế báo chí, kĩ năng hội họa, kĩ năng thuyết trình, dẫn chương trình hay kĩ năng làm việc nhóm, giao tiếp. Từ đó, giáo dục sẽ có tác dụng định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho các em như nhà báo, phóng viên, MC dẫn chương trình, thuyết trình viên…

Tuy nhiên, mọi hoạt động, mọi khâu tổ chức của tiết dạy dưới hình thức chương trình truyền hình sẽ trở nên rời rạc nếu như thiếu đi vai trò của MC dẫn chương trình là học sinh và cố vấn chương trình là giáo viên. Vai trò của giáo viên, học sinh có sự thay đổi trong tiết dạy. Hai MC học sinh phụ trách dẫn dắt và điều khiển các hoạt động xuyên suốt chương trình. Giáo viên đóng vai trò là cố vấn chính của chương trình thực hiện nhiệm vụ: hỗ trợ MC và bốn đội chơi giải quyết các khó khăn, vướng mắc và tình huống phát sinh; phân tích các vấn đề trọng tâm ở mỗi mục và toàn bài nhằm giúp các em định hình lại kiến thức đã tiếp nhận đồng thời tạo khoảng trống thời gian cho cả MC và học sinh các đội nghỉ tại chỗ sau các chuỗi hoạt động. Sự phối kết hợp giữa người dẫn chương trình và cố vấn, giữa MC và 4 đội chơi là nhân tố cơ bản thể hiện rõ vai trò trung tâm của học sinh trong quá trình khám phá tri thức. Quan trọng hơn nữa, vai trò của giáo viên không bị lu mờ mà còn có ý nghĩa lớn bới sự định hướng tri thức trong suốt chương trình. Vì vậy, điểm nổi bật đặc sắc, khác biệt làm nên thành công của 1 tiết dạy theo thể thức chương trình truyền hình so với tiết dạy thông thường chính là thể hiện đúng, linh hoạt vai trò của MC và cố vấn chương trình, là học sinh trở thành trung tâm thực sự theo quỹ đạo định hướng của giáo viên.

Video về tiết dạy dưới hình thức chương trình truyền hình

Chương trình truyền hình là một sân chơi giải trí sinh động, hấp dẫn, cuốn hút người chơi vui hết mình. Nhưng khi tổ chức chương trình truyền hình trong dạy học, đó sẽ là sân chơi giáo dục, sân chơi dành cho học sinh tiếp thu kiến thức mới, rèn luyện kĩ năng, phẩm chất cơ bản, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ của mình. Qua thực tế, dạy học dưới hình thức chương trình truyền hình có thế nói là cách làm mới có thể áp dụng linh hoạt tùy vào đặc thù từng bộ môn hay nội dung kiến thức bài học, tùy môi trường điều kiện và đối tượng học sinh sao cho phù hợp. Từ đây, chúng ta có cách nhìn mới trong đổi mới cách thức tổ chức dạy học không chỉ là hình thức chương trình truyền hình mà nhiều hình thức khác có thể là tổ chức tiết dạy dưới hình thức một cuộc triển lãm, trưng bày hay một chuyến tham quan biến tấu tại không gian lớp học.

Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Nhung

Chức vụ, đơn vị công tác: Giáo viên trường THPT Quang Trung

Số điện thoại: 0978.632.528

[Trang chủ]
Thông báo
Banner - Thư viện ảnh
Banner - Thư viện video
Banner - Bộ giáo dục và đào tạo
Banner - Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình
Banner - Cổng thông tin điện tử Quảng Bình
Liên kết website
Footer

TRƯỜNG THPT QUANG TRUNG

Địa chỉ: Thôn Tân Phú, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Điện thoại: 0523.596502 – 0523.569520.

Email: thpt_quangtrung@quangbinh.edu.vn