Banner top
Menu portal
Giới thiệu
Banner tin tức - sự kiện
Banner - Góp ý - Ý kiến
Kế hoạch
Banner thi đua - khen thưởng
Tổ chức đoàn thể
Thông tin tuyển sinh
Tổ chức đoàn thể
Hiển thị nội dung bài viết

Một số biện pháp phát huy năng khiếu học sinh của giáo viên chủ nhiệm

28/04/2023
07:38:00
325

Một số biện pháp phát huy năng khiếu học sinh

của giáo viên chủ nhiệm

       Mỗi con người sinh ra dù ít hay nhiều cũng có trong mình một năng khiếu nào đó, tùy thuộc vào môi trường khác nhau mà năng khiếu đó được bộc lộ và phát triển như thế nào.Ví dụ một em bé có năng kiếu về hội họa, nếu may mắn sinh trong gia đình có điều kiện, bố mẹ sớm phát hiện ra năng khiếu của em và tìm thầy cô dạy bảo thì sau này khả năng thành công của em ấy trên con đường nghệ thuật của mình sẽ cao hơn, ngược lại cũng tố chất như vậy nhưng em bé đó lại sinh ra trong điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn, bố mẹ không có thời gian quan tâm và ít chú ý phát hiện ra khả năng của con thì chắc chắn để đạt được ước mơ trở thành họa sĩ của mình em bé sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Vì thế gia đình, môi trường học tập và vai trò của người phát hiện, hướng dẫn các em phát huy hết khả năng của mình là rất quan trọng. Ở nhà vai trò ấy thường gắn với bố mẹ, ông bà hay những người chung sống, còn ở trường thì gắn với thầy cô đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, người đại diện cho nhà trường trực tiếp quán lí các hoạt động chung của lớp học đó.

       Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp chỉ đạo các em thực hiện việc học tập và thực hiện các phong trào do đoàn trường, cá nhân hay một số tổ chức khác tổ chức. Nếu như trước đây, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm chủ yếu là định hướng, hướng dẫn hành vi đạo đức cho học sinh thì ngày nay, ngoài công tác chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm còn phải kiêm thêm nhiều công việc khác, từ việc học đến nề nếp, từ tâm tư tình cảm đến giải quyết những tình huống phát sinh của học sinh trong lớp...Vì thế giáo viên chủ nhiệm phải có những biện giáo dục hợp lý, linh hoạt, hiểu biết tâm lý học sinh và một điều không thể thiếu là phải có tâm huyết, tình yêu thương chân thành đối với học sinh vì nó sợi dây gắn kết chặt chẽ cô trò, thầy trò. Phải làm thế nào nâng cao ý thức tự nguyện, tự giác, tự chủ, phát huy được tính tích cực của học sinh trong mọi hoạt động, giáo dục cho học sinh nhận thức được lợi ích của những hoạt động của mình đối với lớp học, trường học và trong cuộc sống từ đó phát hiện, bồi dưỡng các thế mạnh sẵn có trong mỗi học sinh, cho các em cơ hội để bộc lộ, phát huy các khả năng ấy. Như chúng ta đã biết gia đình, nhà trường và xã hội là ba lực lượng giáo dục chủ yếu, trong đó nhà trường là cơ quan giáo dục chuyên nghiệp, hoạt động có mục tiêu, nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục dựa trên cơ sở khoa học, những hoạt động của đoàn trường đều đặt dưới sự kiểm soát của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lại là cánh tay đắc lực của đoàn trường, vì vậy giáo viên chủ nhiệm phải là người chủ đạo trong việc điều phối các hoạt động giáo dục cùng với các lực lượng giáo dục đó một cách có hiệu quả nhất. Năng lực, uy tín chuyên môn, kinh nghiệm công tác của giáo viên chủ nhiệm lớp là điều kiện quan trọng để tập hợp lực lượng, phối hợp thành công các hoạt động giáo dục cho học sinh.

 

       Trong xu thế chung của một nền giáo dục hiện đại - giáo dục toàn diện nhằm đòi hỏi phát triển năng lực người học ở mọi mặt chứ không nghiêng về một yếu tố nào đó, có nghĩa là phải giáo dục toàn diện học sinh từ “ đức, trí, thể, mỹ và nghề nghiệp” nên ngoài các hoạt động học tập trên lớp, học sinh còn có nhiều cơ hội để tham gia và thể hiện các khả năng của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua các hoạđộng phong trào. Đó là cơ hội cho các em thể hiện năng khiếu từ đó hình thành năng lực của mình và cũng là cơ hội cho giáo viên phát huy nhãn quan sắc bén từ đó phát hiện ra những học sinh có tố chất riêng phù hợp với từng hình thức thi để lựa chọn đối tượng phù hợp nhằm đạt kết quả tốt nhất cho cá nhân học sinh, lớp học và nhà trường.

Vì những lý do trên, tôi mạnh dạn đưa ra “Một số biện pháp phát huy năng khiếu học sinh của giáo viên chủ nhiệm”.

       1. Giáo viên chủ nhiệm với vai trò phát huy năng khiếu học sinh thông qua môn học mà mình trực tiếp giảng dạy.

       Với vai trò vừa là giáo viên chủ nhiệm vừa là giáo viên giảng dạy bộ môn lịch sử của lớp bản thân tôi rất mong muốn học sinh của mình sẽ yêu thích và học tốt bộ môn lịch sử, vì thế tôi không ngừng trau dồi năng lực chuyên môn đồng thời cũng luôn tìm kiếm những biện pháp phát huy năng khiếu học tập môn lịch sử của sinh, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm mục đích đạt hiệu quả cao nhất, bằng thực tế giảng dạy tôi đã áp dụng thành công một số biện pháp như sau:

- Xác định động cơ học tập của học sinh để có phương pháp giảng dạy thích hợp.

- Nghệ thuật sử dụng câu hỏi trong bài học.

- Phương pháp lập sơ đồ tư duy.

       2. Biện pháp phối hợp với giáo viên bộ môn để phát huy năng khiếu của học sinh.

       Các giáo viên bộ môn là những người có thời gian làm việc và tiếp xúc với học sinh nhiều nhất, có điều kiện hiểu biết năng lực sở trường của mỗi học sinh đối với hoạt động chủ đạo của các em trong hoạt động học tập. Vì thế việc phối hợp chặt chẽ với giáoviên bộ môn sẽ giúp cho giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình học sinh thường xuyên, liên tục, cụ thể từ đó có những tác động cần thiết tới đối tượng giáo dục. Nên cần liên hệ mật thiết với giáo viên bộ môn để nắm bắt tình hình học tập của mỗi học sinh đối với bộ môn họ giảng dạy về thái độ, trình độ nhận thức, năng khiếu và kết quả học tập. Nhờ những thông tin do giáo viên cung cấp, giáo viên chủ nhiệm mới biết được bức tranh cụ thể, rõ nét hơn về mỗi học sinh từ đó có cách thức tác động, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với đặc điểm phát triển nhân cách của mỗi học sinh, đây cũng là một cơ sở để giáo viên chủ nhiệm làm tốt vai trò tư vấn cho học sinh lựa chọn được nghề nghiệp thích hợp với năng khiếu và hứng thú của của các em đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

       3. Biện pháp phát huy năng khiếu của đội ngũ ban cán sự với công tác tự quản

Xây dựng nề nếp tự quản cho học sinh đây là công việc cần thiết và quan trọng đối với người làm công tác chủ nhiệm. Do đó giáo viên chủ nhiệm phải hình thành một đội ngũ cán bộ lớp năng động và phân quyền rõ ràng, được tập huấn đầy đủ, nghiêm túc, đội ngũ ban cán sự sẽ giúp giáo viên chủ nhiệm quán lí lớp một cách hiệu quả. vì chính đội ngũ này sẽ là cánh tay trái đắc lực cho giáo viên chủ nhiệm sau này.

       4. Biện pháp phối hợp với phụ huynh trong việc phát huy năng khiếu học sinh

Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh tốt chính là điều lí tưởng trong việc phối hợp giáo dục học sinh. Thông qua giáo viên phụ huynh sẽ nắm được con mình học tốt những môn gì, học kém môn gì và có năng khiếu gì hay không? Ngược lại qua phụ huynh giáo viên sẽ biết được hoàn cảnh gia đình môi trường giáo dục ở nhà cùng một số tính cách, sở trường, năng khiếu riêng của từng học sinh để uốn nắn, dạy dỗ nhằm phát huy các điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Muốn việc phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với gia đình có hiệu quả mong muốn, giáo viên chủ nhiệm phải thấu hiếu hoàn cảnh gia đình học sinh, nắm được phương pháp vận động quần chúng trong giáo dục, tạo được uy tín đối với phụ huynh học sinh khi đó mọi hoạt động học tập và phong trào của học sinh ở trường học phụ huynh đều có thể nắm bắt được. Một khi đã làm tốt việc những công việc đó thì việc tổ chức, quán lí và giáo dục học sinh nói chung và phát huy năng khiếu của một số học sinh khác sẽ thực hiện dễ dàng hơn.

       5. Biện pháp phát huy năng khiếu của học sinh qua các hoạt động phong trào

       Đối với người làm công tác chủ nhiệm, vai trò của họ được thể hiện qua các hoạt động phong trào là rất rõ nét, bởi vậy làm thế nào để động viên các em tham gia đầy đủ và đạt kết quả cao là điều không dễ, muốn hoạt động phong trào có hiệu quả cao nhất bản thân giáo viên chủ nhiệm phải có phương pháp phù hợp, lựa chọn và phát huy tối đa những năng khiếu sẵn có của học sinh.

Có thể nói, phát huy năng khiếu học sinh là một việc làm rất quan trọng, muốn làm được điều đó đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải biết tiêu chí biểu hiện của các loại năng khiếu như âm nhạc, hội họa, văn học, toán học, năng khiếu quản lí, năng khiếu hoạt động chính trị xã hội... Giáo viên chủ nhiệm phải có những hiểu biết về tâm lí học lứa tuổi, tâm lí học chẩn đoán, có kiến thức và kĩ năng xây dựng những môn trắc nghiệm để phát triển năng khiếu.

       Bản thân tôi giảng dạy môn lịch sử đã có những biện pháp tích cực nhằm phát huy năng khiếu học tập ở học sinh lớp mình, các em thích thú và ý thức học tốt hơn rất nhiều.

       Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn đã có sự phối hợp và tác động tốt đến việc học của học sinh trong lớp nhất là những em có năng khiếu riêng

       Giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó mật thiết và có nhiều tác động tích cực đến học sinh có năng khiếu về âm nhạc, hội họa, thể dục thể thao, năng khiếu học các môn văn hóa...

       Nâng cao chất lượng của các phong trào, giáo viên chủ nhiệm đã xây dựng được tinh thần đoàn kết , thái độ tích cực của học sinh trong các hoạt động và phát huy tối đa năng khiếu của học sinh lớp chủ nhiệm thông qua hoạt động phong trào.

      Học sinh đã nhận thức tốt hơn về mặt tình cảm đạo đức, các em còn rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thể hiện mình qua các hoạt động, biết yêu thương, giúp đỡ nhau và giúp đỡ mọi người

 

Người viết: Nguyễn Thị Thu Hiền - GV Lịch sử - Trường THPT Quang Trung

[Trang chủ]
Hiển thị danh sách bài viết
Banner - Thư viện ảnh
Banner - Thư viện video
Banner - Bộ giáo dục và đào tạo
Banner - Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình
Banner - Cổng thông tin điện tử Quảng Bình
Liên kết website
Footer

TRƯỜNG THPT QUANG TRUNG

Địa chỉ: Thôn Tân Phú, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Điện thoại: 0523.596502 – 0523.569520.

Email: thpt_quangtrung@quangbinh.edu.vn