Banner top
Menu portal
Giới thiệu
Banner tin tức - sự kiện
Banner - Góp ý - Ý kiến
Kế hoạch
Banner thi đua - khen thưởng
Tổ chức đoàn thể
Thông tin tuyển sinh
Công khai thông tin
Hiển thị nội dung bài viết

DẠY HỌC LỊCH SỬ THÔNG QUA HÌNH THỨC CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH

22/02/2022
08:58:00
877

DẠY HỌC SÁNG TẠO

DẠY HỌC LỊCH SỬ THÔNG QUA

HÌNH THỨC CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH

 

BÀI 16: Phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng Tám(1939 - 1945). Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra (Tiết 1)(Chương trình lịch sử 12 Ban cơ bản)

 

1.Cách dạy thường thấy

Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, đông đảo giáo viên có nhận thức đúng đắn về đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều giáo viên đã xác định rõ sự cần thiết và có mong muốn thực hiện đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học. Một số giáo viên đã vận dụng được các phương pháp dạy học tích cực, kĩ năng sử dụng thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin, cách thức tổ chức các hoạt động dạy học.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, việc đổi mới phương pháp dạy học vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Riêng đối với bài học này, cách dạy thường thấy được thực hiện như sau:

Về cơ bản thì cách dạy học này lấy trọng tâm là giáo viên. Giáo viên sẽ là người diễn giải, thuyết minh kiến thức về tình hình Việt Nam từ 1939 đến 1945 và những nội dung hội nghị tháng 11 năm 1939 còn các học viên sẽ lắng nghe và học thuộc. Giáo viên sẽ là tâm điểm còn các học viên sẽ là quỹ đạo quay xung quanh. Giáo án mỗi chương trình sẽ đều được thiết kế theo một đường thẳng đi từ trên xuống từ mục I. Tình hình Việt Nam 1939 đến 1945 sau đó là mục II.1 Hội nghị BCH Trung ương Đảng tháng 11 năm 1939 .

Truyền thụ tri thức một chiều vẫn là phương pháp dạy học chủ đạo của nhiều giaó viên. Phương pháp dạy học chủ yếu là hỏi đáp và thuyết trình từ một phía giáo viên phát huy tính tích cực, tự lực và sự sáng tạo của học sinh còn chưa nhiều. Khi dạy nội dung phân tích tình hình ở Việt Nam và nội dung, ý nghĩa hội nghị 11 năm 1939 vẫn nặng về truyền thụ kiến thức lý thuyết, giáo viên hỏi, học sinh trả lời sau đó chốt kiến thức bằng các thao tác phân, tích, so sánh, rút ra kết luận. Việc rèn luyện kĩ năng sống, kỹ năng giải quyết các tình huống thực tiễn cho học sinh thông qua khả năng vận dụng tri thức tổng hợp chưa thực sự được quan tâm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông, sử dụng các phương tiện dạy học chưa được thực hiện rộng rãi và hiệu quả trong các trường trung học phổ thông, chỉ dừng ở mức độ trình chiếu cho học sinh xem các hình ảnh về Phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, ảnh và video về nạn đói năm 1945, ảnh Nguyễn Văn Cừ.

Với việc truyền đạt tri thức một chiều thường thấy đối với bài học này nên các hình thức tổ chức hoạt động dạy học cũng đơn thuần và chưa đạt được hiệu suất cao trong việc giúp học sinh tiếp thu và vận dụng kiến thức mới vào giải quyết vấn đề cũng như rèn luyện các kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sống, kĩ năng tư duy...Cụ thể như sau:

- Các hình thức họat động ở lớp để dạy bài này vẫn chủ yếu là hoạt động cá nhân, hoạt động cặp đôi, hỏi đáp về tình hình Việt Nam và nội dung hội nghị tháng 11 năm 1939. Vì vậy đa phần học sinh tiếp thu kiến thức thụ động, thiếu sự giao tiếp, thiếu sự kích thích trí tuệ của học sinh; giáo viên làm việc quá nhiêu, thuyết trình quá nhiều làm cho tiết học nhàm chán

- Các hình thức tổ chức hoạt động trên lớp đã có sự kết hợp với ứng dụng CNTT: khi tìm hiểu tình hình nước ta thì các giáo viên thường chiếu hình ảnh về phát xít Nhật ở Đông Dương, hình ảnh nạn đói năm 1945 cho học sinh xem để đặt câu hỏi hoặc chiếu khi đang phân tích tình hình để minh họa. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT chỉ dừng ở mức độ đơn giản là trình chiếu cho học sinh xem mà thiếu đi sự tương tác tích cực, ảnh chỉ mang tính chất tĩnh; chưa tạo điều kiện cho học sinh sử dụng CNTT để học tập tiếp thu kiến thức trên lớp; ứng dụng CNTT chỉ dừng ở giáo viên.

- Hình thức hoạt động nhóm cũng thường được sử dụng ở Mục II.1 khi tìm hiểu về nội dung của hội nghị tháng 11 năm 1939.Tuy nhiên hình thức hoạt động nhóm chưa thật sự hiệu quả như hoạt động nhóm phân công chưa hợp lý về nội dung và cách chia nhóm; cách thức hoạt động của nhóm chỉ đơn thuần mang tính chất hình thức, sự tướng tác giữa các thành viên trong nhóm chưa cao dần chỉ tập trung một số thành viên nổi trội; tổ chức hoạt động nhóm không gắn liền các nhiệm vụ học tập khác nhau, không đi kèm các công cụ học tập, chỉ dừng ở việc, học sinh trong nhóm đọc sách rồi đại diện nhóm đuanwgs dậy trả lời. Từ đó dẫn đến, hiệu quả hoạt động nhóm còn chưa cao, tiết học rườm rà, giáo viên không thể phát hiện những học sinh còn yếu để hỗ trợ.

- Hình thức tổ chức thảo luận, thuyết trình cũng được tích cực sử dụng khi học sinh giới thiệu về tiểu sử của Nguyễn Văn Cừ, về nội dung hội nghị. Song, trong quá trình dạy học, các hình thức này còn hạn chế: thảo luận chỉ manh tính hình thức; vấn đề, cách thức thảo luận chưa phù hợp trong khi thời gian tiết dạy chỉ 45 phút; thảo luận chỉ diễn ra ở một số học sinh tiêu biểu; thảo luận đã gắn liền với thuyết trình nhưng vấn đề thuyết trình chỉ tập trung ở một học sinh, kĩ năng thuyết trình của học sinh chưa được thành thạo từ nội dung còn rườm rà đến kĩ năng thể hiện còn phụ thuộc vào tài liệu,dẫn đến thiếu tự nhiên, gượng ép.

- Hình thức tổ chức khởi động vào bài chủ yếu là khái quát qua kiến thức về phong trào dân chủ 1936 – 1939 rồi đặt vấn đề, học sinh chỉ lắng nghe hay chỉ là nêu kiến thức mới có chưa nội dung vấn đề đặt ra; đưa ra hình ảnh đặt vấn đề “Em biết gì về nội dung lịch sử liên quan hình ảnh này”. Như vậy, hình thức chuyển giao nhiệm vụ học tập mang tính chất nêu kiến thức, chưa thực sự thể hiện một cách phong phú, linh hoạt, gượng ép, chưa tạo hứng thú, kích thích tư duy cho học sinh

Xuất phát từ những thực tế trong quá trình dạy học hiện nay, các hình thức tổ chức dạy học còn quá quen thuộc, còn một số vấn đề bất cập. Vì vậy, tôi nhận thấy chúng ta có thể sử cách dạy mới: Dạy học lịch sử thông qua hình thức chương trình truyền hình. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ đề xuất cách dạy mới áp dụng trong phạm vi dạy học bài 16 lịch sử 12 cơ bản “Phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng Tám(1939 - 1945). Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời”

2. Đề xuất cách dạy mới

Trong dạy học phát triển năng lực, học sinh có nhiều trải nghiệm học tập khác nhau ở trường, học tập trực tuyến và học tập trong cộng đồng. Các chủ thể đa dạng tạo ra lộ trình học tập khác nhau để phù hợp với sở thích và phong cách học tập của học sinh. Giáo viên hợp tác với cộng đồng và học sinh để phát triển một kế hoạch học tập riêng cho mỗi học sinh dựa trên sở thích, phong cách học tập và thời gian. Trong quá trình đó, chúng ta cần phát huy hiệu quả của nhiều phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động như trò chơi, đóng vai, nghiên cứu trường hợp điển hình, giải quyết vấn đề, thuyết trình, thảo luận, trình diễn, gợi mở - vấn đáp.

Trên cơ sở theo hướng dạy học phát triển năng lực học sinh,tôi xin đề xuất cách dạy mới như sau: Dạy học lịch sử thông qua hình thức chương trình truyền hình

*Cách thức tiến hành:

Với cách dạy mới này, giáo viên sẽ chuyển hình thức một tiết dạy học lịch sử đơn thuần thành một chương trình truyền hình “Tìm về nguồn cội”

-Địa điểm: không gian tại lớp học

-Vai trò, vị trí của giáo viên và học sinh:

+Giáo viên dạy sẽ đóng vai trò là cố vấn chính của chương trình, giáo viên dự giờ đóng vai trò là cố vấn khách mời

+Học sinh: cử hai học sinh đóng vai trò là MC dẫn chương trình (một MC chính, một MC phụ), các học sinh còn lại tổ chức thành 4 đội chơi đặt tên theo danh nhân lịch sử liên quan đến nội dung bài học

-Bố trí không gian lớp học: bốn đội chơi bốn góc, bàn giáo viên ở giữa bục giảng làm bàn cho MC và cố vấn chính làm trung tâm của chương trình, vẫn sử dụng bảng đen(dành cho cố vấn chính)

-Tiến hành tiết dạy dưới hình thức chương trình truyền hình:

+Phần khởi động: đưa ra vấn đề cần giải quyết thông qua một hoạt cảnh. Sau đó gợi mở cho học sinh về chương trình sắp tổ chức

+Phần hình thành kiến thức mới và luyện tập:

  • Hoạt động chính do MC chương trình dẫn dắt tổ chức cách hoạt động theo các mục như video tin tức thời sự và hoạt động thuyết trình trên slide và thông qua hình thức báo tường đề cung cấp kiến thức mới cho học sinh; trò chơi giữa bốn đội liên quan kiến thức bài cũ và bài mới.
  • Giáo viên đóng vai trò là cố vấn chương trình sẽ thực hiện nhiệm vụ: thứ nhất, hỗ trợ MC và bốn đội giải quyết các vấn đề khó; thứ hai, phân tích các vấn đề trọng tâm của bài ở mỗi mục; thứ ba, hướng dẫn cho hai MC khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình dẫn và tổ chức chương trình.

+Phần vận dụng:

Giáo viên sẽ thực hiện và đúc kết các kiến thức ở cuối chương trình trong vài trò là cố vấn chính

*Những đề xuất từ cách dạy mới:

- Với cách thức tổ chức một chương trình truyền hình từ một tiết dạy sẽ tạo hứng thú học tập cho học sinh, giúp các em thoát khỏi sự gò bó của một không gian lớp học thông thường.

- Giáo viên với vai trò là cố vấn chính, học sinh thực hiện và tham gia chương trình sẽ phát huy hướng dạy học lấy học sinh làm trung tâm nhưng giáo viên vẫn thực hiện vai trò là hướng dẫn, hỗ trợ học sinh.

- Cách thức thể hiện ở phần khởi động bằng hoạt cảnh thực tế ở trường học liên quan vấn đề cần giải quyết của bài học. Mục đích của cách thức thể hiện này là thông qua phương pháp trình diễn, đóng vai, giáo viên sẽ giúp học sinh phát huy kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sống, tạo hứng thú học tập thực sự cho học sinh gắn liền thực tế cuộc sống.

- Cách thức thể hiện bằng video tin tức (học sinh tự thể hiện và thiết kế thành video theo hình thức tin tức Chuyển động 24h), slide thuyết trình(về tiểu sử của nhân vật vật lịch sử) hay hình thức báo tường (thể hiện phong cách của một tờ báo viết ngày nay về chủ đề liên quan nội dung chính của bài học) là cách mới để cung cấp và truyền đạt kiến thức tránh sự nhàm chán, cho học sinh tự tạo ra đồ dùng trực quan. Thông qua đó, học sinh sẽ hứng thú tiếp thu kiến thức đồng thời rèn luyện kĩ năng làm báo, làm truyền thông, xa hơn có thể tạo một định hướng nghề nghiệp cho các em; không những thế việc giao nhiệm vụ cho học sinh thiết kế video tin tức hay thiết kế slide cũng là cách mới trong việc sử dụng CNTT trong việc học tập của học sinh chứ không dừng ở việc dạy của giáo viên và giúp học sinh từ chỗ biết, hiểu đến sử dụng tư liệu lịch sử vào cuộc sống và công việc.

- Cách thức thể hiện thông qua các trò chơi để giúp học sinh tìm hiểu và giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề. Về việc tổ chức trò chơi trong dạy học đã được nhiều giáo viên thực hiện nhưng chủ yếu ở phần củng cố cuối bài cũng như do giáo viên điểu khiển trò chơi. Cách thức thể hiện mới ở đây là:

Thứ nhất, trò chơi thực hiện ở trong các mục bài có thể tiến hành ở đầu mục hoặc giữa mục bài;

Thứ hai, trước đây học sinh giải quyết vấn đề thông qua các câu hỏi kiểu vấn đáp giữa GV và HS thì bây giờ thông qua các câu hỏi trong trò chơi, HS cũng giải quyết vấn đề mà không thụ động một chiều, không nhàm chán, có sự thảo luận, trao đổi qua lại giữa các học sinh để đội nhóm đưa ra đáp án cuối cùng;

Thứ ba, trước đây trò chơi do giáo viên điều khiển thì bây giờ, học sinh đóng vai trò là MC dẫn chương trình sẽ điều khiển trò chơi. Điều này sẽ tạo ra sự tương tác giữa các học sinh, tạo không khí học tập vui vẻ, cũng như phát hiện các tài năng, năng khiếu của các em.

-Trong quá trình thực hiện chương trình, học sinh sẽ hoạt động xuyên suốt tiết học nhưng so với các tiết dạy thông thường, vai trò giáo viên sẽ không bị lu mờ bởi vì giáo viên đóng vai trò là cố vấn chương trình như sau: sau các hoạt động trò chơi, giáo viên sẽ tham gia giải thích, phân tích kết hợp ghi bảng nhấn mạnh những kiến thức trọng tâm đồng thời có thể tương tác với học sinh qua các câu hỏi từ phía giáo viên hoặc ngược lại câu hỏi từ phía học sinh đặt ra; hơn thế nữa ở khâu này sẽ giúp học sinh định hình lại các kiến thức đã tiếp nhận từ các hoạt động vừa xong cũng như tạo khoảng trống thời gian cho cả MC và các HS ở đội chơi nghỉ ngơi sau các hoạt động.

Như vậy, qua các hình thức tổ chức hoạt động mới tôi đề xuất ở trên, hiệu quả tiết học lịch sử được nâng lên từ chỗ sử dụng hiệu quả CNTT; phát huy khả năng thảo luận, thuyết trình, phát huy các kĩ năng sống, kĩ năng xã hội của học sinh; tạo không khí tiết học sôi nổi, không còn nhàm chán; hơn thế nữa với việc lấy học sinh làm trung tâm thì việc truyền đạt tri thức không còn là một chiều từ giáo viên đến học sinh mà diễn ra sự tương tác hai chiều từ giáo viên đến học sinh cũng như ngược lại.

 

Nguyễn Thị Thùy Nhung – Giáo viên Lịch sử

 

 

 

 

[Trang chủ]
Thông báo
Banner - Thư viện ảnh
Banner - Thư viện video
Banner - Bộ giáo dục và đào tạo
Banner - Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình
Banner - Cổng thông tin điện tử Quảng Bình
Liên kết website
Footer

TRƯỜNG THPT QUANG TRUNG

Địa chỉ: Thôn Tân Phú, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Điện thoại: 0523.596502 – 0523.569520.

Email: thpt_quangtrung@quangbinh.edu.vn